Đau Thần Kinh Tọa

Đại cương

Đau dây thần kinh tọa là một hội chứng rất hay gặp ở cộng đồng, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và khả năng lao động nhất là đối với những người lao động chân tay. Đó là hội chứng đau rễ thắt lưng V và rễ cùng I, lan theo đường đi của dây thần kinh tọa. Khám lâm sàng có thể thấy các dấu hiệu nghẽn cột sống thắt lưng (vẹo cột sống do đau, hạn chế tầm vận động của cột sống thắt lưng: cúi ngửa, xoay thân) và các dấu hiệu chèn ép, kích thích rễ thần kinh. Hội chứng đau dây thần kinh tọa có thể được điều trị tốt tại cộng đồng bằng các biện pháp giảm chèn ép rễ như nghỉ ngơi, giảm vận động cột sống thắt lưng, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, nhằm làm thư giãn cột sống thắt lưng, mở rộng khe liên sườn đốt sống, giải phóng chèn ép thần kinh. Mặt khác, kết hợp chống viêm giảm phù nề bằng cách sắc uống các vị thuốc Y học cổ truyền sẵn có tại cộng đồng, kết hợp Y học hiện đại với Y học cổ truyền, việc điều trị đau dây thần kinh tọa đã có hiệu quả hơn.

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa

Theo Y học hiện đại

Đau dây thần kinh tọa do rất nhiều nguyên nhân cơ năng và thực thể. Nhưng phổ biến nhất là tổn thương cột sống thắt lưng cùng.

Thoát vị đĩa đệm: Chiếm 60-90% (theo nhiều tác giả 75% theo Castaigne P).

Các bất thường của cột sống thắt lưng cùng (mắc phải hoặc bẩm sinh). Tuy nhiên, trước khi chẩn đoán nguyên nhân đau dây thần kinh tọa do các dị tật bẩm sinh, cần phải loại trừ thoát vị đĩa đệm và xem các dị tật chỉ là yếu tố thuận lợi.

Các nguyên nhân trong ống sông: u tủy và màng tủy, viêm màng nhện tùy khu trú; áp xe ngoài màng cứng vùng thắt lưng.

Một số nguyên nhân ít gặp nhưng khó chẩn đoán, chỉ xác định được sau khi phẫu thuật như: Giãn tĩnh mạch quanh rễ, giãn tĩnh mạch màng cứng, phì đại dây chằng vàng.

Theo Y học cổ truyền

Thuộc chứng tọa cốt phong thường gặp các nguyên nhân sau:

Do trùng phong hàn ở kinh lạc (đau thần kinh tọa do lạnh).

Do Can, Thận âm hư không nuôi dưỡng được gân cơ, cốt tủy, phong hàn thấp nhân cơ hội xâm nhập gây bệnh (viêm thoái hóa cốt sống).

Do huyết ứ, khí trệ ở kinh lạc (đau thần kinh tọa do chèn ép).

Các thể lâm sàng đau dây thần kinh tọa theo Y học cổ truyền

Thể phong hàn phạm kinh lạc (do lạnh)

Bệnh cảnh lâm sàng nổi bật là triệu chứng đau, thường bắt đầu là vùng thắt lưng, lan xuống mông, mặt sau đùi xuống khoeo chân, cẳng chân. Đi lại khó khăn, gặp lạnh đau tăng, chưa teo cơ. Toàn thân có cảm giác sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch phù trì.

Thể do can thận âm hư (viêm thoái hóa cột sống)

Bệnh nhân đau vùng thắt lưng lan xuống mông mặt sau đùi và chân, mức độ đau vừa phải, âm ỉ, thường bệnh nhân chỉ có cảm giác mỏi nặng ở mông, kèm theo đau vùng thắt lưng, bệnh kéo dài hay tái phát, có teo cơ. Toàn thân mệt mỏi, kém ăn, ngủ ít, mạch trầm nhược.

Thể do huyết ứ khí trệ ở kinh lạc (do chèn ép)

Thường bắt đầu bằng đau thắt lưng, sau đau dây thần kinh tọa, điển hình do một gắng sức như cúi xuống để bốc vác một vật nặng hoặc sai tư thế, bỗng thấy đau nhói ở thắt lưng, ít giờ sau hoặc ít ngày sau, lưng tiếp tục đau, đau tăng lên và lan xuống mông, dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Có khi đau âm ỉ nhưng thường đau dữ dội như dao đâm. Đau tăng khi ho, khi hắt hơi, khi cúi hoặc gập co đột ngột. Bệnh nhân buộc phải nằm yên không dám trở mình.

Điều trị bằng thuốc Y học cổ truyền

Thuốc dùng cho thể đau thần kinh tọa do phong hàn

Phép chữa: Khu phong tán hàn, hành khí hoạt huyết.

Phương thuốc điều trị:

Bài thuốc 1: Kê đơn theo đối pháp lập phương

Khu phong: Độc hoạt 12g, Uy linh tiên 12g, Phòng phong 10g, Tang ký sinh 12g.; Tán hàn: Quế chi 8g, Tế tân 8g; Hành khí: Trần bì 8g, Chỉ xác 8g; Hoạt huyết: Xuyên khung 12g, Ngưu tất 12g, Đan sâm 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài thuốc 2: Dây gắm 12g, Kê huyết đằng 12gm, Hoàng lực 12g, Thiên niên kiện 12g, Thổ phục linh 15g, Hoàng kì nam 15g, Cà gai leo 12g, Quế chi 8g, rễ Cỏ xước 12g, Hà thủ ô đỏ 12g, Tào đông (Đào rừng) 12g, Tần giao 12g, Tục đoạn 12g.

Thuốc dùng cho thể đau dây thần kinh tọa do Can thận âm hư

Phép chữa: Bổ Can Thận âm, khu phong, tán hàn, trừ thấp, hoạt huyết.

Phương thuốc điều trị:

Bài thuốc 1: Độc hoạt Ký sinh thang: Độc hoạt 8g, Phòng phong 8g, Tang ký sinh 12g (Tầm gửi mộc ở cây dâu), Tần giao 8g, Tế tân 4g, Ngưu tất 8g, Đỗ trọng 8g, Đương quy 12g, Bạch thược 12g, Xuyên khung 8g, Sinh địa 12g, Đảng sâm 12g, Phục linh 8g, Cam thảo 6g, Quế tâm 4g – và có thể dùng bài trên bỏ vị Tang ký sinh thêm Hoàng Kỳ 12g; Sâm tục đoạn 2g để bổ can thận và khí huyết mạnh hơn. Sắc ngày uống 1 thang.

Bài thuốc 2: Thục địa, Tục đoạn, Ngưu tất, Ý dĩ, Hoài sơn, Hà thủ ô, Cẩu tích, Đảng sâm, Bạch truật mỗi vị 12 g, Tang kí sinh 20g, Tỳ giải 15g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài thuốc 3: Ý dĩ nhân thang gia giảm

Ý dĩ 15g, Khương hoạt 8g, Thương truật 10g, Quế chi 8g, Độc hoạt 8g, Cam thảo 6g, Đỗ trọng 15g, Gừng 4g, Đại táo 12g, Phụ tử chế 8g.

Thuốc dùng cho thể đau dây thần kinh tọa do khí trệ, huyết hư

Phép chữa: ôn thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết.

Phương thuốc điều trị:

Bài thuốc 1: Thiên niên kiện 12g, Cẩu tích 15g, Quế chi 8g, Ngải cứu 15g, rễ Lá lốt 12g, Trần bì 10g, Ngưu tất 15g, Xuyên khung 15g, Đan sâm 15g, Chỉ xác 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài thuốc 2: Đan sâm 15g, Tô mộc 15g, Chỉ xác 10g, Hương phụ 10g, Xuyên khung 15g, Uất kim 12g, Trần bì 10g, Tang kí sinh 15g. Sắc uống ngày 1 thang.

Xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp vùng lưng và chi dưới, trình tự xoa bóp như sau:

  • Tư thế người bệnh nằm sấp.
  • Day từ thắt lưng dọc xuống đùi 3 lần.
  • Lăn từ thắt lưng xuống cẳng chân 3 lần.
  • Bóp từ thắt lưng xuống cẳng chân 3 lần.
– Bấm các huyệt Hoa đà, Giáp tích ở L4-L5, Thận du, Đại trường du, Thượng liêu, Hoàn khiêu, Thừa phù, Ủy trung, Thừa sơn.

– Uốn chân: Một tay bấm sát cột sống, một tay nâng đầu chân đau lên.

– Vận động cột sống: Bệnh nhân nằm ngửa gấp duỗi đùi vào ngực 3 lần, đến lần thứ 3 khi duỗi ra giật mạnh một cái.

– Phát thắt lưng 3 cái.

Đắp thuốc

Dùng lá tươi bao gồm Ngải cứu, Lá lốt, Cúc tần, Lá đu đủ, Xương rồng ba cạnh lượng như nhau. Giã nhỏ, rang cùng cám, cho thêm lượng dấm ăn vừa đủ. Đặt thuốc lên trên nệm gối, nằm ngửa sao cho thuốc ở phía dưới đoạn đốt sống thắt lưng vị trí L4-L5. Liệu trình đắp từ 10-15 ngày. Mỗi ngày đắp 1 lần. Đắp vào buổi tối là tốt nhất.

Phòng bệnh

– Đau dây thần kinh tọa có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là do chèn ép dây thần kinh. Đây là điểm cần chú ý trong phòng bệnh

– Trong lao động, sinh hoạt cần chú ý các động tác phải cúi, mang vác vật nặng.

– Luôn cố gắng giữ thẳng cột sống khi bê, vác, tránh xách nặng một bên.

– Tập thể dục, rèn luyện cơ lưng, tăng sự mềm dẻo và khả năng thích nghi của cột sống

– Điều trị kịp thời khi có biểu hiện thoái hóa cột sống thắt lưng. Có giá trị tích cực trong phòng ngừa đau dây thần kinh tọa.

Lương Y – TS. Lê Quang Ưng và cộng sự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *