Viêm Khớp Dạng Thấp

Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh

Viêm khớp dạng thấp thuộc phạm vi chứng Tý của Y học cổ truyền. Tý là tắc, tắc khí huyết ở kinh mạch gây đau, vận động giảm hoặc mất khả năng co duỗi vận động khớp.

Nguyên nhân gây bệnh: Do ngoại tà, chủ yếu là do phong hàn thấp nhiệt xâm phạm vào khớp, kinh lạc. Giai đoạn diễn biến cấp tính gọi là chứng phong thấp nhiệt tý. Ngoài giai đoạn cấp biểu hiện ra các chứng phong hàn thấp tỳ.

Cơ chế gây bệnh: Bệnh sinh ra là do tiên thiên bất túc, can thận hư (can chủ gân, thận chủ cốt tủy) vinh vệ (vinh là huyết, vệ là khí) đều hư, nhiều lần bị cảm phong hàn thấp nhiệt tà dẫn tới khí huyết ngưng trệ, kinh lạc vị tắc do đàm ứ làm sưng đau các khớp cục bộ hoặc toàn thân.

Chẩn đoán bệnh bằng Y học cổ truyền

Bắt đầu từ từ, tăng dần hoặc đột ngột, xuất hiện cấp tính có thể có tiền triệu như: sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, tê đầu chi.

Viên khớp ở ngọn chi đối xứng, thường bắt đầu bằng một khớp, ngón tay hình thoi, cứng khớp buổi sáng.

Viêm khớp phát triển rầm rộ, sưng nóng đỏ đau nhiều khớp có tính đối xứng ở ngón tay, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, ngón chân, bàn chân, đầu gối, khớp háng, đốt sống. Lâu ngày khớp biến dạng: Dính cứng khớp khó vận động, có khi mất hẳn vận động (liệt).

Bệnh diễn biến ngày nhẹ đêm nặng, khó co duỗi, sốt, ra mồ hôi (tự ra) sợ gió, rêu lưỡi vàng mỏng, chất lưỡi đỏ, nước dãi vàng mạch hoạt sác.

Da xanh, niêm mạng nhợt, thiếu máu nhược sắc. Hạt Meyner nổi dưới da (là dấu hiệu đặc hiệu, hay xuất hiện ở gần khớp).

Các thể lâm sàng Viêm khớp dạng thấp theo Y học cổ truyền

Viên khớp dạng thấp có đợt tiến triển cấp (thể phong thấp nhiệt tý)

Các khớp sưng, nóng, đỏ, đau đối xứng, cự án, ngày nhẹ đêm nặng, co duỗi cử động khó khăn, sốt, ra mồ hôi, sợ gió, rêu lưỡi vàng mỏng, chất lưỡi đỏ, nước tiểu vàng, mạch hoạt xác.

Nếu có hồng ban nút hoặc khớp sưng đỏ nhiều là do nhiệt tà quá thịnh có thể có sốt cao.

Nếu sưng đau kéo dài, sốt nhẹ, ra nhiều mồ hôi, miệng khô chất lưỡi đỏ mạch tế sác là thấp nhiệt thương âm làm hao tổn tân dịch.

Viêm khớp dạng thấp ngoài đợt tiến triển cấp (thể phong hàn thấp tỳ)

Mệt mỏi, đau ít khớp, tăng lên về đêm, khớp ngọn chỉ có thể hình thoi, cứng khớp buổi sáng, hạn chế vận động khớp. Nếu đau di chuyển nhiều khớp kèm theo sợ gió, mạch phủ là chủ yếu do phong (phong tỳ). Đau nhiều, cố định tăng lên khi trời lạnh, chườm nóng thì đỡ là do hàn tà gây nên (gọi là thống tý ), nặng nề mệt mỏi, khớp sưng nhiều, đỏ ít rêu lưỡi trắng nhợt, mạch hoạt, chủ yếu là do thấp tà (gọi là thấp tỳ).

Viêm khớp dạng thấp kéo dài có hiện tượng dính khớp teo cơ (thể đàm ứ ở kinh lạc)

Các khớp do bệnh kéo dài bị dính khớp, teo các cơ quanh khớp, biến dạng khớp ở bàn tay, bàn chân, dấu hiệu bàn tay gió đổi siêu, có thể còn dấu hiệu sưng đau các khớp, thường gặp ở viêm khớp dạng thấp giai đoạn 3 và 4.

Điều trị ba thể Viêm khớp dạng thấp theo Y học cổ truyền

Viêm khớp dạng thấp có đợt tiến triển cấp (thể phong thấp nhiệt tý)

– Phép chữa: Khu phong, thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, trừ thấp (thanh nhiệt, khu phong, hoá thấp).

– Phương thuốc điều trị:

Bài thuốc 1: Rễ cây vòi voi 16g, Hy thiêm 16g, Thổ phục linh 16g, Ngưu tất 16g, Độc lực 10g, Huyết dụ 10g, Rễ cà gai 10g, Kê huyết đằng 12g, Sinh địa 12g. Ngày uống 1 thang; uống từ 5-7 thang.

Bài thuốc 2: Bạch hổ quế chi thang gia giảm

Thạch cao sống 40g; Tri mẫu 12g, Hoàng bá 12g, Kim ngân hoa 20g, Cành dâu (tang chi bẻ khúc bằng tay sao vàng đổ xuống mặt đất sạch = hạ thổ) 12g, Phòng kỷ 12g, Ngạnh mễ (gạo tẻ mùa) 12g, Thương truật 8g, Quế chi 6g (bỏ vỏ ngoài). Sắc uống ngày 1 thang. Uống liên tục từ 7-10 thang.

Nếu có nổi mẩn đỏ hồng (nổi ban ở da) hay khớp sưng đổ nhiều, thêm Đan bì 12g; Xích thược 8g: Sinh địa 20g.

  • Châm cứu:

+ Tại chỗ: Châm kim vào các huyệt quanh khớp sưng đau và gần khớp.

+ Toàn thân thì châm: Hợp cốc, Phong môn, Túc tam lý, Huyết hải, Đại truỳ.

Phương pháp châm tả

Viêm khớp dạng thấp ngoài đợt tiến triển cấp (phong hàn thấp tỳ)

Phép chữa: Khu phong tán hàn, trừ thấp , hoạt lạc.

Phương thuốc điều trị: Thổ phục linh 16 g, Quế chi 6g, Ké đầu ngựa 16g, Bạch chỉ 6g, Hy thiêm 16g, Tỳ giải 12g, Uy linh tiên 12g, Y dĩ 12g, rễ Vòi voi 16g, Cam thảo nam 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống từ 7-12 thang.

  • Châm cứu

+ Tại chỗ: Sử dụng các huyệt quanh khớp đau và các huyệt gần khớp.

+ Toàn thân: Châm kim vào các huyệt hợp cốc, tam âm giao, phong môn, cách du, túc tam lý, huyết hải.

Phương pháp châm tả, nếu thiên hướng hàn thì có thể ôn châm hoặc cứu.

Viêm khớp dạng thấp kéo dài có biến dạng teo cơ dính khớp (đàm ứ ở kinh lạc)

– Phép chữa: Khu phong trừ thấp, hoá đàm, hoạt huyết.

– Phương thuốc điều trị: Dùng các bài thuốc trên, gia thêm các gia vị: Nam tinh 8g, Xuyên sơn giáp 8g, Bạch giới tử sao 12g, Đào nhân 8g, Cương tằm 12g, Hồng hoa 8g. Sắc uống ngày 1 thang; uống từ 10-15 thang là 1 đợt chữa.

– Điều trị không dùng thuốc:

+ Châm cứu giống các thể trên.

+ Xoa bóp các khớp, ấn, day, lăn, véo các khớp và các cơ quan khớp.

+ Vận động các khớp từ từ và tăng dần độ mờ của khớp cũng như liều lượng tập.

Đề phòng viêm khớp dạng thấp tái phát khi khớp không đau

– Sau khi bệnh đã ổn định: hết sưng, nóng, đỏ, đau dùng thuốc uống trong theo phép thuốc sau.

Phép chữa: Bổ Can Thận, lương huyết, khu phong trừ thấp.

Phương thuốc điều trị: Kim ngân dây lá 16g, Thổ phục linh 16g, Ngưu tất 16g, Phòng phong 12g, Ý dĩ 12g, Tỳ giải 12g, Sinh địa 12g, Huyền sâm 12g, Thạch hộc 12g, Hà thủ ô 12g, Hắc phụ tử 6-8 g – Đều tán mịn, ngày 40g sắc gạn uống (sắc 250ml còn 150ml). Hoặc cả bài trên sắc với 1000ml còn 250ml chia uống 2 lần/ngày. Mỗi tuần 3 thang, liền trong 6 tháng.

Hoặc dùng bài Độc hoạt Ký sinh thang để củng cố và phòng tái phát hay bài Tam tý thang.

Tang ký sinh 16g (thay Hoàng kỳ 12g, Tục đoạn 2g – 5g tức là bỏ vị Tang ký sinh để thành bài Tam tý thang sắc uống trong 6 tháng liền mới phòng tái phát được).

Độc hoạt 12g, Phòng phong 12g, Ngưu tất 12g, Đỗ trọng 12g, Sinh địa 12g, Bạch thược 12g, Đảng sâm 12g – 20g, Phục linh 12g, Tế tân 8g, Tần giao 8g, Quế chi 8g, Hắc phụ 8g, Cam thảo bắc 6g.

Ngoài uống ngày 1 thang còn phải tự tập rèn luyện sao cho tay chân, thân thể phục hồi lại chức năng và thích nghi được với 4 mùa như người bình thường…

Kiến thức về phòng bệnh Viêm khớp dạng thấp

– Bệnh có thể thuyên giảm hoặc bị nhẹ nếu biết giữ gìn, tránh nơi ẩm thấp, giữ vệ sinh theo mùa và tăng cường vận động luyện tập tuỳ theo khả năng.

– Sử dụng đúng thuốc chống tái phát để phòng bệnh.

Tự xoa bóp bấm huyệt quanh các khớp và bàn chân.

Tập co duỗi vận động thường xuyên các khớp.

Rèn luyện cơ thể thích ứng dần với mọi hoàn cảnh thời tiết lạnh ẩm, gió mưa.

– Tập dưỡng sinh, khí công để nâng cao sức khoẻ.

Lương Y – TS. Lê Quang Ưng và cộng sự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *