Điều trị bệnh xương khớp bằng thảo dược

Trong thời gian qua, nền kinh tế của thế giới nói chung và Việt nam nói riêng đã có những bước phát triển nhanh chóng. Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, cộng với chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý nên bệnh viêm khớp cùng các bệnh rối loạn chuyển hóa khác như tiểu đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì,… cũng đang ngày càng phổ biến. Tỷ lệ mắc các bệnh cơ xương khớp gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây và đang gây áp lực rất lớn lên hạ tầng y tế. Dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng với 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80 bị các bệnh lý cơ xương khớp, bệnh này đang thách thức ở Việt Nam.

Giới thiệu chung về bệnh viêm khớp

Viêm khớp là tình trạng viêm ở các khớp gây ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp. Có khoảng hơn 200 loại viêm khớp với nguyên nhân và vị trí khác nhau. Một trong những loại loại viêm khớp phổ biến nhất đó là viêm xương khớp. Viêm xương khớp là một trong những nhóm bệnh về cơ xương khớp đang tăng rất nhanh. Viêm xương khớp là tình trạng thoái hóa khớp, và mức độ nghiêm trọng có thể dao động từ cơn đau nhẹ đến khá nặng. Bao gồm thoái hóa nguyên phát của hệ thống xương khớp và thoái hóa thứ phát (do các yếu tố thúc đẩy làm tiến trình thoái hóa nhanh hơn, sớm hơn và nặng nề hơn, như các dị tật bẩm sinh và mắc phải tại hệ thống cơ xương khớp, các bệnh lý rối loạn chuyển hóa ở xương, sụn và khớp, các bệnh lý do viêm: viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, viêm khớp do vi trùng, lao khớp…., các chấn thương hệ xương khớp trong sinh hoạt và lao động hàng ngày, các rối loạn khớp khác. Thường bắt đầu bằng sự thương tổn các mô khớp mềm như sụn và có thể gây cứng khớp và bất động khớp. Mọi người đều có thể mắc bệnh viêm xương khớp – đàn ông, phụ nữ, người già và kể cả trẻ em. Các triệu chứng bệnh viêm xương khớp có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển theo thời gian. Thông thường bệnh viêm xương khớp ảnh hưởng đến đầu gối, hông, cột sống và bàn tay.

Bệnh viêm khớp khớp Hình ảnh X-Quang thoái hóa khớp gối rõ nét

Triệu chứng viêm khớp: Triệu chứng chính của viêm khớp là đau khớp. Đau khớp nhẹ chỉ gây cảm giác khó chịu, nhưng đau khớp nặng có thể làm mất khả năng vận động. Càng vận động khớp càng đau, nghỉ ngơi sẽ làm dịu cơn đau khớ. Khi bệnh viêm khớp tiến triển, cơn đau dai dẳng kéo dài ngay cả khi vận động, hoặc thậm chí kể cả khi ngủ. Viêm khớp có thể gây cứng khớp, làm khớp không thể gập hay vận động bình thường.

Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp: Thông thường, viêm khớp là do sự thoái hóa của sụn khớp. Sụn khỏe mạnh sẽ giúp xương khớp vận động trơn tru.Khi sụn bị tổ thương hoặc thoái hóa, các đầu xương cọ xát vào nhau gây cảm giác xưng đau, làm xương khớp vận động kém linh hoạt.

Bệnh viêm khớp mãn tính ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, bệnh mãn tính giai đoạn nặng là một trong những nguyên nhân gây tàn phế. Phương pháp điều trị bằng tây y nhanh chóng, hiệu quả tức thì nhưng bộc lộ những tồn tại. Các thuốc tân dược chống viêm được kê đơn rộng rãi nhất, sử dụng lâu dài sẽ gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm đau loét, xuất huyết và thủng dạ dày. Các thuốc ức chế Cyclooxygenase-2 (COX-2) có liên quan đến tăng nguy cơ bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim. Điều này đặt ra một nhu cầu về các phương pháp điều trị thay thế khác như các trị liệu sinh học, sử dụng thuốc thảo mộc để điều trị bệnh. Việc không tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt, chế độ ăn uống và sinh hoạt không điều độ nên việc điều trị viêm xương khớp gặp nhiều khó khăn, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái phát cao sau khi kết thúc liệu trình điều trị. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng đề thực hiện tốt phòng, tránh và theo dõi điều trị bệnh là một việc làm hết sức cần thiết.

  • Tình hình nghiên cứu trong nước

Dân gian là kho tàng vô tận các bài thuốc cổ xưa, được lưu truyền lâu đời. Tuy không có ghi chép trong các tài liệu nghiên cứu, nhưng qua trải nghiệm thực tế, nhưng hiệu quả chữa bệnh viêm, đau nhức xương khớp bằng thuốc nam theo dân gian đã được kiểm chứng qua các bài thuốc:

– Cẩu tích được dùng trong phạm vi nhân dân làm thuốc bổ gan, thận chữa đau lưng, đau khớp xương, đầu gối, chữa phong thấp. Kinh nghiệm nhân dân về đơn thuốc có cẩu tích chữa ngang lưng đau nhức bao gồm: Cẩu tích 15 g, ngưu tất 10 g, đỗ trọng 10 g, sinh mễ nhân 12 g, mộc qua 6 g, nước 600 ml. Sắc còn 200 ml, chia 3 lần uống trong ngày.

– Cốt toái bổ có vị đắng, tính ôn và không độc, vào hai kinh can và thận. Có khả năng bổ thận, trị đau xương. Dùng chữa dập xương, đau xương, bong gân, sai khớp, viêm xương khớp. Liều dùng hàng ngày là 6 đến 12 g.

– Dây đau xương được dùng trong phạm vi nhân dân để chữa những triệu chứng của bệnh tê thấp, đau xương, đau do viêm xương khớp. Lá dây đau xương giã nhỏ, trộn với rượu để đắp lên những chỗ xưng đau. Thái nhỏ thân dây đau xương, sao vàng ngâm rượu với tỷ lệ 1 phần 5. Ngày uống 3 lần, mỗi lần một cốc con. Phụ nữ và những người không uống được rượu có thể sắc với nước mà uống.Thường thời gian đều trị kéo dài 15 ngày.

– Cỏ hy thiêm có vị đắng, tính hàn, hơi có độc, vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng khử phong thấp, lợi gân cốt. Chữa chân tay tê dại, lưng mỏi, gối đau, phong thấp. Dùng trong phạm vi nhân dân làm thuốc chữa đau nhức, tê thấp, nhức xương, yếu chân, bán thân bất toại, ngân cốt nhức lạnh, lưng gối tê dại, viêm đau xương khớp. Dùng ngày 6-12 g dưới dạng thuốc sắc, thuốc viên hay thuốc cao mềm.

– Thiên niên kiện là một vị thuốc nhân dân dùng để chữa tê thấp, bổ gân cốt, giảm đau nhức do viêm xương khớp. Ngày dùng 5-10 g dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.

– Cỏ vòi voi được sử dụng chữa sưng đầu gối với những triệu chứng như sau: Trước phát bệnh mỏi đầu gối, 3 hôm sau vùng đầu gối đỏ và sưng to lên, người lên cơn sốt nhẹ, không đi lại được. Dùng cây tươi, chặt từng đoạn nhỏ, giã cho dập, bỏ vào nồi sao với dấm hoặc với rượu, gói vào miếng vải, buộc vào chỗ sưng. Dùng để uống với liều dùng 15-20 g tươi.

– Dùng đơn thuốc có độc hoạt để chữa các khớp xương đau nhức: Độc hoạt 5 g, đương quy 3 g, phòng phong 3 g, phục linh 3 g, thược dược 3 g, hoàng kỳ 3 g, cát căn 3 g, nhân sâm 2 g, cam thảo 1 g, can khương 1 g, phụ tử 1 g, đậu đen 5 g, nước 600 ml, sắc còn 200 ml chia 3 lần uống trong ngày.

– Lá lốt được sử dụng rộng rãi trong phạm vi nhân dân để chữa đau, viêm xương khớp. Ngày dùng 5-10 g lá phơi khô hay 15-30 lá tươi. Sắc với nước chia 2-3 lần uống trong ngày. Bài thuốc chữa chân đau nhức bao gồm lá lốt, rễ bưởi bung, rễ cây vòi voi, rễ cỏ xước đều dùng tươi thái mỏng sao vàng, mỗi vị đều nhau 15 g khô, sắc với 600 ml. Cô còn 200 ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày.

– Gối hạc là một vị thuốc được dùng trong nhân dân dùng chữa bệnh đau nhức xương khớp, tê thấp. Ngày dùng 10-16 g dưới dạng thuốc sắc thuốc bột hay ngâm rượu.

– Cành dâu 1kg, đường phèn 500g. Trước hết, đem cành dâu sắc lấy nước, thêm đường phèn vào làm thành cao, mỗi buổi sáng uống nửa thìa, hòa vào nước sôi, uống ấm.

Ngoài các vị thuốc nam dùng theo đường uống còn có những vị thuốc dùng phổ biến bên ngoài để hỗ trợ điều trị bệnh đau do viêm xương khớp:

– Dùng lá trầu không, dã nhỏ, cho vào chảo sao với một ít rượu sau đó đắp vào chỗ đau nhức hàng ngày sẽ thấy các triệu trứng đau nhức thuyên giảm.

– Rễ cây kim xương sao vàng ngâm rượu xoa bóp chữa tê thấp, teo cơ, đau nhức do viêm xương khớp. Thuốc chữa đau nhức, teo cơ: Rễ kim sương sao vàng 50 g, cồn 40oC 500 ml. Ngâm trong vòng 7 đến 10 ngày. Lấy rượu xoa bóp nơi đau nhức, teo cơ.

– Bột quế 30 g, bột thiên niên kiện 30 g, lá lốt tươi 20 g, lá ngải cứu tươi 20 g giã nhuyễn. Cho vào chảo rang cùng rượu sau đó đắp vào chỗ đau nhức do viêm xương khớp. Cách 1 ngày đắp một lần.Dùng trong 1 tháng các triệu chứng giảm rõ rệt khi kết hợp với uống thuốc điều trị.

– Lá bắp cải hơ nóng hoặc làm mát trong tủ đá khi được quấn quanh các khớp bị đau, sưng sẽ giúp giảm đau do viêm xương khớp hiệu quả. Bắp cải chứa nhiều chất xơ, folate, đồng, vitamin B1, kali, mangan, vitamin B, C và K. Nó cũng cung cấp canxi, sắt, cholin, magiê, pantothenic acid, niacin và phốt pho rất tốt cho sức khỏe.

– Hạt gấc ngâm rượu làm thuốc xoa bóp xương khớp rất hiệu nghiệm. Lấy 50 hạt gấc, đem rửa sạch, để cho ráo rồi đem nướng trên than cho thật vàng.Tách bỏ vỏ, giữ ruột lại đem giã cho đều rồi thêm vào một ít rượu trắng 45 oC để ngâm. Mỗi lần dùng, lấy một ít rượu ngâm hạt gấc để xoa đều khắp vùng bị đau do viêm xương khớp.

– Ấu tẩu là phương thuốc của người dân tộc vùng tây bắc trong việc điều trị các chứng đau xương, đau mỏi, tê thấp, chân tay nhức mỏi… củ đem làm sạch ngâm với rượu dùng làm thuốc xoa bóp trực tiếp vào vùng bị đau sẽ làm giảm đau nhanh chóng (rượu không được uống do ấu tẩu có độc, không bôi lên vết thương hở).

– Lá lốt và lá ngải cứu băm nhỏ sào nóng với rượu, mẻ dùng để đắp có tác dụng làm thuyên giảm đáng kể các chứng đau do viêm xương khớp, nhức mỏi.

* Dưới đây là tổng hợp một số cây thuốc dân có tác dụng điều trị viêm đau xương khớp:

– Đau vai trái do viêm sử dụng bài thuốc có các vị và liều lượng như sau: Rễ đinh lăng 8 g, trắc bá diệp 8 g, thuốc cứu 4 g, hương phụ chế 8 g, gừng sống 3 g, kế huyết đằng 8 g, cây dâu 4 g, vòi voi sao 8 g, thiên niên kiện 8 g, cối xay 8 g, thần thông 1 g.

– Đau viêm khớp xương cùng cột sống: dây đau xương sao 8 g, vòi voi sao 8 g, mắc cỡ 8 g, rễ nhàu tán 8 g, cỏ xước 8 g, thổ phục linh 8 g, ngũ gia bì 8 g, kê huyết đằng 8 g, dây gùi 8 g, cốt toai bổ 8 g, nhục quế, 8 g.

– Đau rút ngón tay: Kê huyết đăng, cành dâu, mắc cỡ, vòi voi, ý dĩ, thiên niên kiện, rễ nhàu tán, thần thông, vỏ quýt. Mỗi vị 8 g, sắc với 600 ml, còn 200 ml uống 3 lần trong ngày sau bữa ăn.

– Đau chân xưng to dùng bài thuốc: Thổ phục linh 8 g, thiên niên kiện 8 g, bồ công canh 8 g, kim ngân hoa 8 g, ý dĩ 8 g, cành dâu 8 g, quế chi 4 g, cỏ xước 8 g, hà thủ ô 8 g, quế chi 8 g, mộc dược 4 g, xuyên sơn giáp 8 g, vỏ quýt 4 g.

– Sưng đau hai bàn chân: dây gùi, rễ cỏ xước, vòi voi sao, thiên niên kiện, ngũ gia bì, ý dĩ mỗi vị 8 g; quế chi, lá từ bi, vỏ quýt mỗi vị 4 g.

– Chân đau gân rút dùng bài: dây gùi 8 g, cành dâu 8 g, đậu đen sao 10 g, quế chi 4 g, đỗ trọng 8 g, gửi dâu 8 g, rễ cỏ xước 8 g, ngũ gia bì 8 g, cối xay 8 g, thần thông 2 g.

– Viêm đau mắt cá chân dùng bài: hà thủ ô 8 g, huyết rồng 8 g, cây dâu 8 g, gửi dâu 8 g, rễ nhàu 8 g, rễ đinh lăng 8 g, vỏ quýt 8 g, dây đau xương 8 g, vòi voi sao 8 g, cối xay 8 g, thiên niên kiện 8 g, thổ phục linh 8 g.

* Dưới đây là tổng hợp một số các sản phẩm chữa viêm khớp đang lưu hành trên thị trường

– Viên khớp Đại việt, thành phần gồm có Độc hoạt, xuyên khung, cát cánh, chỉ xác, tiền hồ

– Khang cốt đơn, thành phần gồm có Hy thiêm 450 mg, độc hoạt 300 mg, sói rừng 50 mg, địa liền 50 mg, ba kích 50 mg, tang kí sinh 50 mg, đương quy 50 mg, tục đoạn 50 mg, đỗ trọng 50 mg.

– Bách niên viên, thành phần gồm có dây đau xương, cốt toái bổ, hy thiêm, thiên niên kiện, ké đầu ngựa, đỗ trọng, nhục quế

– Khớp mộc thanh, thành phần gồm có độc hoạt, xuyên khung, mộc qua, lá lốt, cam thảo, phòng phong, khương hoạt, nhân sâm.

– Viêm khớp tâm bình, thành phần gồm có hy thiêm 400 mg, đương quy 350 mg, đỗ trọng 350 mg, tục đoạn 350 mg, cẩu tích 350 mg, độc hoạt 350 mg, ba kích 350 mg, ngưu tất 250 mg, thương truật 110 mg, mã tiền chế 20 mg

– Xương khớp MH, thành phần gồm có độc hoạt, khương hoạt, cát cánh, tiền hồ, sài hồ, xuyên khung, chỉ xác, phòng phong, bạch chỉ, phục linh, nhân sâm, cam thảo, mộc qua.

– Long cốt tiên, thành phần gồm có tục đoạn 300 mg, ngưu tất 300 mg, đươngq quy 300 mg, hoàng kỳ 300 mg, tang ký sinh 300 mg, quy bản 200 mg, dây đau xương 200 mg, thiên niên kiện 200 mg.

– Xương khớp nhất nhất, thành phần gồm có 645 mg cao khô tương đương: đương quy 750 mg, đỗ trọng 600 mg, cẩu tích 600 mg, đan sâm 450 mg, liên nhục 450 mg, tục đoạn 300 mg, thiên ma 300 mg, cốt toái bổ 300 mg, độc hoạt 600 mg, sinh địa 600 mg, uy linh tiên 450 mg, thông thảo 450 mg, khương hoạt 300 mg, hà thủ ô đỏ 300 mg.

– Kiện khớp tiêu thống, thành phần gồm có cao các vị: mẫu lệ 90 mg, cốt toái bổ 45 mg, ngũ gia bì 35 mg, hy thiêm thảo 30 mg, cẩu tích 30 mg, dây đau xương 30 mg, thổ phục linh 30 mg, thiên niên kiện 30 mg, can khương 30 mg.

– Xương khớp bà giằng, thành phần gồm có: Mã tiền chế 14 mg, thương truật 14 mg, đương quy 14 mg, đỗ trọng 14 mg, ngưu tất 12 mg, độc hoạt 16 mg, thổ phục linh 20 mg

– Phong đau xương khớp tê-tê, thành phần gồm có cao hy thiêm 200 mg, dây đau xương 200 mg, cao ngưu tất 50 mg, cao lá lốt 50 mg.

Theo y học hiện đại, đến nay các công trình nghiên cứu đề cập đến các dược liệu có tác dụng chữa bệnh viêm xương khớp ở nước ta là không nhiều.

Nghiên cứu của Đoàn Thanh Hiền và Đỗ Trung Đàm năm 1996 đã thống kê được 316 bài thuốc chữa thấp khớp có in trong các sách, tạp chí xuất bản ở Việt Nam, trong đó có 216 bài thuốc dùng đường uống, 38 bài thuốc xoa bóp trong y học cổ truyền Việt Nam và 62 bài thuốc trong Y học cổ truyền Trung Quốc.

Đậu Thị Giang đã nghiên cứu tác dụng giảm đau, chống viêm của cây gối hạc (Leea rubra Blume) họ gối hạc Leeaceae) trên thực nghiệm. Kết quả cho thấy Cao cồn lá và rễ gối hạc liều 100 – 400 mg/kg thể hiện tác dụng giảm đau ngoại vi trên mô hình gây đau quặn bằng acid acetic. Cao lá gối hạc liều 100 mg/kg và 200 mg/kg thể hiện tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây phù bàn chân chuột bằng carrageenin và thể hiện tác dụng chống viêm mạn trên mô hình gây u hạt thực nghiệm. Cao rễ gối hạc 100 mg/kg và 200 mg/kg thể hiện tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây phù bàn chân chuột bằng carrageenan, và chỉ mức liều 200 mg/kg thể hiện tác dụng chống viêm mạn trên mô hình gây u hạt (Đậu Thị Giang, 2016).

Nghiên cứu của Đoàn Thanh Hiền và Đỗ Trung Đàm (1996) đã chứng minh Thổ Phục Linh có cả tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây viêm màng bụng cấp và có tác dụng chống viêm mạn trên mô hình gây u hạt, tuy nhiên các tác dụng này chỉ ở mức yếu. Tác giả có bàn luận việc dùng Thổ Phục linh trong các bài thuốc chữa thấp khớp là dựa vào tác dụng thanh nhiệt giải độc, và Thổ phục linh cần được dùng cùng nhiều vị thuốc khác chứ không dùng là một vị đơn độc. Trong viêm luôn có yếu tố gây viêm, và cơ thể phải huy động mọi tiềm năng để loại trừ yếu tố gây viêm. Trong quá trình đó, có thể xảy ra tiêu hủy nhiều loại tế bào của cơ thể, nhiều mảnh tế bào, nhiều chất độc với cơ thể phát sinh ra. Tác dụng thanh nhiệt tiêu độc của Thổ phục linh giúp loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể, được tác giả bàn luận là có vai trò trong tác dụng chống viêm giảm đau của những bài thuốc chữa thấp khớp.

Nghiên cứu về bài thuốc Thiên cốt đan bao gồm Dóng xanh (Justicia ventricosa) 30 g, Hy thiêm (Siegesbeckia orientalis) 20 g, Thổ phục linh (Smilax glabra) 20 g, Ngưu tất (Achyranthes bidentata) 16 g, Dây đau xương (Tinospora sinensis) 12 g. Ở cả hai liều 13,72g/kg/ngày và 27,44g/kg/ngày trên chuột cống trắng có tác dụng trên cả mô hình gây phù chân chuột (làm giảm thể tích chân phù) và mô hình viêm màng bụng (làm giảm thể tích dịch gỉ viêm, giảm hàm lượng protein và số lượng bạch cầu trong dịch rỉ viêm), tương đương với Diclofenac sodium liều 15 mg/kg. Cũng ở cả hai liều này có tác dụng làm giảm khối lượng u hạt so với đối chứng (p<0.01) trên mô hình gây u hạt bằng amiant ở chuột nhắt trắng, tương đương với Prednisolon 5 mg/kg/ngày. Đối với tác dụng giảm đau, bài thuốc Thiên cốt đan có tác dụng giảm đau cả ngoại vi và trung ương. Ở liều tương tự trên chuột cống trắng có tác dụng giảm đau trong thử nghiệm Randall-Selitto Test, làm tăng ngưỡng đau, tương đương với Diclofenac sodium liều 15 mg/kg. Ở liều 23,52g/kg/ngày và 47,04g/kg/ngày trên chuột nhắt trắng có tác dụng giảm đau trong thử nghiệm gây đau quặn, làm trễ thời gian xuất hiện đau và giảm số cơ đau, tương đương với Diclofenac sodium liều 20 mg/kg; đồng thời cũng có tác dụng giảm đau trong thử nghiệm phiến nóng, làm tăng thời gian đáp ứng (là thời gian đặt chuột lên phiến nóng đến khi chuột liếm chân sau) (Phạm Tuấn Thành, 2017).

Phân đoạn n-butanol hy thiêm với liều 120 mg/kg có tác dụng ức chế mức độ phù bàn chân chuột tại thời điểm 1 giờ và 3 giờ sau khi gây viêm trên mô hình gây phù bàn chân chuột bằng carrageenan, tỷ lệ ức chế phù bàn chân chuột so với chứng tương ứng là 48,6% và 30,4% (p<0,05). Giảm triệu chứng viêm trên mô hình gây viêm màng hoạt dịch khớp gối do tinh thể natri urat trên chuột cống trắng. Giảm đau ngoại vi trên mô hình mâm nóng có sử dụng thêm tác nhân gây tăng nhận cảm đau thể hiện qua thời gian rút ngắn phản ứng đau thấp hơn so với lô chứng, phần trăm ức chế phản ứng đau so với chứng là 66,8% (p< 0,05%). Giảm đau do viêm trên mô hình RANDALL-SELITTO, làm tăng ngưỡng phản ứng đau của chuột tại thời điểm 3 giờ sau khi tiêm carrageenan, phần trăm đảo ngược ngưỡng phản ứng đau là 31,7% (Nguyễn Thù Dương, 2012).

Trên mô hình gây phù chân chuột, flavonoid rễ cao cẳng liều 8mg/kg và 24mg/kg có tác dụng ức chế phản ứng phù ở các thời điểm sau 2 giờ, 4 giờ và 24 giờ so với chứng. Trên mô hình gây tràn dịch màng bụng, flavonoid rễ cao cẳng ức chế rõ rệt sự tạo thành dịch rỉ viêm, làm giảm số lượng bạch cầu trong dịch rỉ viêm và làm giảm hàm lượng protein trong dịch rỉ viêm. So với các kết quả nghiên cứu trước về tác dụng chống viêm của saponin chiết xuất từ rễ cao cẳng, flavonoid có tác dụng chống viêm trên mô hình gây tràn dịch màng bụng tốt hơn trên mô hình gây phù chân chuột. Trong thử nghiệm về tác dụng chống viêm mạn trên mô hình gây u hạt ở chuột nhắt trắng, flavonoid với liều 13mg/kg và 39mg/kg không làm giảm một cách có ý nghĩa trọng lượng u hạt (Nguyễn Thị Vinh Huê, 2007).

Mới đây, hoạt chất KGA1 kết luận là mang lại tác dụng chính của củ địa liền. Nghiên cứu trên thực nghiệm và lâm sàng đã chứng minh hoạt chất này đem lại tác dụng quý hơn rất nhiều so với cao dược liệu thô, giúp giảm đau, chống viêm, chống ung thư, kháng nấm… Đồng thời KGA1 có khả năng dung nạp tốt, an toàn ngay cả khí sử dụng liều cao liên túc (Lê Minh Hà, 2018).

Kết luận tổng quan về tình hình nghiên cứu thảo dược có tác dụng điều trị viêm khớp

Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú, trong đó nhiều cây thuốc được cho là có tác dụng điều trị bệnh lý cơ xương khớp. Nhiều thảo dược được sử dụng dùng trong các bài thuốc y học cổ truyền đề điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp; Nhiều chế phẩm đang lưu hành trên thị trường để điều trị bênh viêm khớp. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu khoa học công bố về tác dụng, thành phần hoạt chất, các nghiên cứu tiền lâm sàng còn đang rất hạn chế. Qua trình nghiên cứu thăm dò tác dụng, đặc tính chống viêm, giảm đau của các loại dược liệu là cần thiết.

Trong hàng ngàn năm, các sản phẩm tự nhiên đặc biệt là thực vật thuốc đã đóng một vai trò rất quan trọng trên toàn thế giới trong điều trị và phòng ngừa các bệnh ở người (Chin et al. 2006). Sản phẩm tự nhiên được phát hiện từ cây thuốc có cung cấp nhiều loại thuốc hữu ích lâm sàng và có thể dự đoán vẫn là một thành phần thiết yếu trong quá trình tìm kiếm thuốc mới thuốc (Balunas và Kinghorn 2005). Bởi vì các phương pháp điều trị hiện tại cho bệnh cơ xương khớp dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn và có xu hướng đắt tiền, sản phẩm tự nhiên không có nhược điểm như vậy. Vì vậy, nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính của chúng hoạt động của chúng đang được đẩy mạnh và có tiềm năng được phát triển như thuốc điều trị viêm khớp trong tương lai. Hoạt tính kháng viêm, giảm đau nhưng không độc của những dược liệu là những đặc tính luôn được nghiên cứu cho định hướng điều trị bệnh cơ xương khớp.

Địa liền là một thảo dược có nguồn gốc từ Ấn Độ và phân bố ở Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Lào, Sundan, Nigeria và Nam Phi. Nó là một loại thảo dược quan trọng của Ấn Độ có lịch sử dụng lâu dài trong điều trị một số loại bệnh của con người, bao gồm ho, cảm lạnh, nhức đầu, rối loạn đau, bệnh ngoài da, bệnh thấp khớp, viêm khớp, gãy xương khớp (Kumar, 2020).Jiao et al. (2017) đã xác định kampferide (1) trong thân dễ của cây địa liền và nghiên cứu tác dụng ức chế nó đối với hạt titan gây ra hủy xương in vivo.Kết quả đã chứng minh rằng hoạt chất này có khả năng ngăn chặn hạt titan gây ra sự hủy xương in vivo và ức chế sự tạo xương trong ống nghiệm. Trong đại thực bào tủy xương chuột (BMM) và tế bào RAW264.7, Kaempferide ức chế đáng kể sự hình thành hủy xương (10,16±4,22) và tái hấp thu xương ở mức 12,5 µM so với đối chứng. Trong thử nghiệm khả năng sống của tế bào hoạt chất này không cho thấy tác dụng gây độc tế bào ở nồng độ 25 µM hoặc thấp hơn. Trong tái hấp thu xương, Kaempferide ức chế 60% và 90% hủy xương vùng tái hấp thu xương trong ống nghiệm ở nồng độ 6,25 µM và 12,5µM, tương ứng. Thử nghiệm hình thành vòng F-actin do RANKL gây ra, hoạt chất không bị ảnh hưởng đến sự hình thành vòng F-actin hủy xương trưởng thành ở nồng độ 12,5 µM. Một vài thực nghiệm khác chứng minh Kaempferide có thể dược sử dụng trong điều trị bệnh liên quan đến xương (Jiao, 2017).

Thân rễ cây cẩu tích được sử rộng rãi trong truyền thống các phòng khám y học Trung Quốc để điều trị các tình trạng như đau thắt lưng, đau nhức chân tay, thấp khớp và đau thần kinh tọa. Saccharides chiết từ cẩu tích có tác dụng làm tăng đáng kể xương, hàm lượng khoáng và mật độ khoáng xương, ngăn ngừa thiệt hại của xương, do đó cải thiện tính chất cơ sinh học của xương. Hoạt chất oligo-glucomannan (Kí hiệu CBBP-1) (2) được phân lập từ cẩu tích có tác dụng hiệu quả trong việc ngăn chặn hiện tượng loãng xương. Nghiên cứu đã cung cấp nhưng bằng chứng cho thấy CBBP-1 có thể có tiềm năng như một chất chống loãng xương và khuyến cáo sử dụng trong các phác đồ điều trị bệnh lý cơ xương khớp là an toàn (Huang et al., 2018).

Cốt toái bổ (Drynaria fortunei (Kunze) J. Sm) là một loại thảo dược truyền thống của Trung Quốc được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh thoái hóa xương khớp, loãng xương, viêm đau khớp và các rối loạn chuyển hóa xương khác. Năm flavonoid aglycones bao gồm naringenin (3), Kurarinone (4), Kushennol F (5), Xanthogalenol (6), và sophoraflavanone G (7) được xác định trong thân cốt toái bổ. Tất cả các hợp chất không có tác dụng đối với sự tăng sinh của các tế bào UMR 106 nguyên bào xương ở nồng độ 0,1 đến 1000 nM, nhưng làm tăng đáng kể hoạt động ALP của các tế bào ở hầu hết nồng độ từ 10 nM đến 1000 nM. Xanthogalenol ở nồng độ 100 nM tăng nồng độ canxi hòa tan axit đáng kể. Nghiên cứu đã kết luận rằng các flavonoid aglycones trong cốt toái bổ hiệu quả tiềm năng trong việc ngăn ngừa thoái hóa loãng xương trong viêm xương khớp.

Thân rễ của cây thiên niên kiện đã được liệt kê chính thức trong dược điển Trung Quốc để điều trị viêm xương khớp dạng thấp và có tác dụng làm mạnh gân và xương. Nhiều hoạt chất phân lập từ củ thiên niên kiện được chứng minh là có hoạt động chống viêm mạnh mẽ bằng cách ức chế biểu hiện COX-2 do LPS gây ra (Yang et al., 2019).

Thổ phục linh được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp ở Trung Quốc. Hoạt động chống viêm khớp dạng thấp, chống viêm trên mô hình gây phù chân chuột gây ra bởi carrageenan của các hoạt chất Astibin (8) và Tubeimoside I (9) đã được nghiên cứu. Hai hoạt chất có hoạt động chống viêm đáng kể trên mô hình gây phù bàn chân chuột bằng carrageenan (p<0,01). Tác dụng chống viêm thể hiện thông qua việc điều chỉnh sự giảm hoạt động của cytokines IL-1β, TNF-α, và IL-6. Các tác giả đã khẳng định rằng thổ phục linh sở hữu tác dụng chống viêm và có tiềm năng sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp (Bao, et al., 2018).

Ngưu tất được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc điều trị bệnh cơ xương khớp, viêm khớp, thoái hóa xương ở Trung Quốc. Hoạt chất ABW70-1 (10) trong chiết xuất của ngưu tất hiệu quả khôi phục hàm lượng khoáng xương và đặc tính cơ học của xương đùi; kích thích sự biệt hóa tế bào xương của các tế bào MC3TC-E1 bằng cách thúc đẩy sự tăng sinh tế bào. Nghiên cứu chỉ ra rằng polysacarit trong ngưu tất có tiềm năng lớn trong phòng ngừa điều trị loãng xương, thoái hóa khớp (Zhang et al., 2019). Một hoạt chất khác, ABW50-1 (11) được tìm thấy trong củ ngưu tất cũng có tác dụng chống loãng xương (Yan et al., 2019). Hoạt chất ABW10-1(12) cũng biểu hiện tác dụng tương tự (Wang et al., 2017).

Nhiều các hoạt chất có nguồn gốc từ thực vật có khả năng điều trị viêm khớp. Trong các nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng, flavonoid, alkaloid, tinh dầu, hợp chất phenolic, tannin, iridoid glucoside, và coumarin cho thấy tiềm năng của tác dụng chống viêm, giảm đau, bảo vệ cấu trúc xương, khớp qua các mô hình thực nghiệm. Hơn nữa, nhiều loại dược liệu quý ở miền núi phía Bắc nước ta đã được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền và có chứa các thành phần hóa học quý như Rung rúc (Berchemia lineata (L.)DC), Nhàu tán (Morinda umbellata L.), Cây gai (Boehmeria nivea (L) Gaud) có tác dụng điều trị bệnh viêm khớp có thể phát triển tạo sản phẩm chức năng phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ba loài dược liệu này được sử dụng rộng rãi trong nhân dân để điều trị các bệnh viêm khớp, tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học, tác dụng giảm đau, chống viêm.

  • Cây rung rúc (Berchemia lineata (L.) DC)thuộc họ Táo ta (Rhamnaceae)

Tên gọi khác:Rút dế, cứt chuột, đồng bìa, lão thử nhĩ

Hình 1: Cây rung rúc

Mô tả cây: Cây bụi leo, cành rất mảnh, màu nâu. Lá hình bầu dục, tròn ở hai đầu, màu xanh đậm, gân nổi rõ rệt, mép nguyên, mặt dưới màu nhạt hơn. Hoa màu trắng. Quả hình cầu dài, màu đen, mang đài tồn tại. Mùa hoa tháng 9-10; mùa quả tháng 12-1.

Phân bố: Cây mọc hoàng ở khắp nơi thường là bờ bụi, ven đường, gặp nhiều ở miền Bắc Việt Nam.

Bộ phận dùng: Rễ cây hoặc thân

Thành phần hóa học: Có saponin, hoạt chất khác chưa rõ

Tính vị quy kinh: Vị ngọt nhạt, hơi đắng và chát, tính bình

Công dụng: Dùng trong phạm vi nhân dân để chữa tê thấp, đau lưng, mỏi gối. Ngoài ra còn được dùng chữa sốt, sốt rét, ỉa chảy. Người dân thường thu hái rễ vào hai mùa hè và thu. Hái về thái nhỏ, phơi hay sấy khô, có khi tẩm rượu rồi sao vàng cho thơm. Ngày dùng 10-20g dưới dạng sắc hoặc ngâm rượu uống. Rễ rung rúc thái mỏng, sao vàng 200 g, rượu 40 0C 1 lít. Ngâm trong 15 ngày trở lên.Ngày uống 20-30 ml chữa đau mỏi, tê thấp (kinh nghiệm dân gian) (Đỗ Tất Lợi, 2014). Ứng dụng lâm sàng của cây rung rúc trong chữa phong tê thấp, xương khớp đau, nhức, mỏi: Rễ rung rúc thái mỏng, sao vàng 200 g, rượu trắng (30-40 độ) 1 lít; ngâm trong 15 ngày trở lên; ngày uống 20-30 ml.

  • Cây nhàu tán (Morinda umbellata) thuộc họ Cà phê (Rubiaceae)

Tên gọi khác:Đơn mặt quỷ

Mô tả cây: Dây leo có thể dài tới 10 m. Lá hình trứng rộng, phía cuống lá hẹp lại, đầu tù hay nhọn dài 2-12,5 cm, rộng 3-4 cm, nhẵn hay có lông ở mặt dưới, cuống dài 3-8 cm. Hoa hợp thành hình đầu tận cùng, đường kính khoảng 6 mm. Quả hạch dính với nhau thành hình đầu nhiều mặt, màu đỏ, mỗi hoa để lại trên quả một vết tròn làm cho quả có hình thù quái dị, giống như mặt một con quỷ, mỗi hạch dài 4 mm, dày 2mm, thành dai. Mỗi hạch chứa một hạt.

Phân bố: Thường gặp mọc ở các bờ đất dưới chân đồi ven suối, ven rừng đồng bằng, dưới tán các cây gỗ. Cũng gặp mọc bò trên cá cây bụi ở nơi đất khô trãi nắng miền trung du từ Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Ninh Bình qua Thanh Hóa, Nghệ An đến Gia Lai.

Bộ phận dùng: Người ta dùng lá và rễ tươi hay khô, có khi hái toàn dây và lá. Rễ đào về thái mỏng phơi khô hoặc sấy khô. Thường dùng không chế biến gì khác. Nhưng có người sao cho hơi vàng hoặc tẩm rượu sao.

Hình 2: Cây nhàu tán

Thành phần hóa học: Trong rễ chứa anthraglucozit. Hoạt chất khác chưa rõ

Tính vị quy kinh: Vị cay ngọt, tính hơi nóng

Công dụng: Dùng trong phạm vi nhân dân để chữa các bệnh về cơ xương khớp. Chữa thấp khớp: mặt quỷ, vỏ xà cừ, rễ cỏ xước mỗi vị 10 g sắc nước uống. Trị thận hư eo lưng đau: Vỏ rễ mặt quỷ 10 g, thêm xương lợn, sắc nước uống. Trị khớp đốt đau phong thấp: Rễ mặt quỷ khô 20 g sắc nước uống trong ngày (Đỗ Tất Lợi, 2014). Ứng dụng lâm sàng của cây nhàu tán: Chữa thấp khớp: nhàu tán, vỏ xà cừ, rễ cỏ xước, rễ chổi sể đồng 10 gam sắc nước uống; Trị thận hư eo lưng đau: vỏ rễ nhàu tán 10 gam, thêm xương lợn, sắc nước uống; trị khớp đốt đau phong thấp: rễ nhàu tán khô 20 g sắc nước uống.

Các bộ phận trên mặt đất của nhàu tán được sử dụng để điều trị sốt, ho, đau dạ dày, viêm gan cấp tính và bệnh thấp khớp. Các nghiên cứu đã báo cáo rằng có 18 hoạt chất được phân lập từ các chiết xuất của nhàu tán. Hai hoạt chất mới 11-noriridoids, umbellatolides A (13) và B (14) đã được phân lập từ bộ phân trên mặt đất của cây này (Ninh et al., 2013). Mới đây, 16 hoạt chất khác cũng được phân lập từ các bộ phận trên mặt đất của nhàu tán: 2-hydroxy-6-hydroxymethylanthraquinone (15); 2-hydroxymethyl-6-methoxyanthraquinone (16); 1,6-dihydroxy-2-hydroxymethylanthraquinone (17); 1,3-dihydroxy-7-methoxymethylanthraquinone (18); 3-hydroxy-1-methoxy-7-methoxymethylanthraquinone (19);  3-hydroxy-1,7-dimethoxyanthraquinone (20); 2,3-dihydroxy-6-methoxymethylanthraquinone (21); 2,6-dihydroxy-1-methoxyanthraquinone (22); 6-hydroxy-1,2-methylenedioxyanthraquinone (23); 3-hydroxy-1,2-methylenedioxyanthraquinone (24); methyl 4,6-dihydroxy-1-methoxynaphthalene-2-carboxylate (25);  dimethyl 1,1׳-dihydroxy-4,4׳-dimethoxy-2,2׳-binaphthalene-3,3׳-dicarboxylate (26); methyl 7,12-dihydro-2,9-dihydroxy-5-methoxy-7,12-dioxodinaphtho [1,2-b: 2׳,3׳d] furan-6-carboxylate (27); methyl 7,12-dihydro-2,5,9-trihydroxy-7,12-dioxodinaphtho [1,2-b:2׳,3d] furan-6-carboxylate (28); methyl 7,12-dihydro-9-hydroxy-5-methoxy-7,12-dioxodinaphtho [1,2-b: 2׳,3׳d] furan-6-carboxylate (29); methyl 7,12-dihydro-10-hydroxy-5-methoxy-7,12-dioxodinaphtho [1,2-b:2׳,3׳d] furan-6-carboxylate (30) (Li et al., 2019).

  • Cây gai (Boehmeria nivea (L) Gaud. Họ Urticaceae

Tên gọi khác: Trữ ma, tầm ma, tầm gai, cây gai bánh

Mô tả cây: Cây gai nói đây là cây mà lá ta vẫn dùng làm bánh gai ăn và sợi để dệt làm lưới đánh cá. Cây sống lâu năm, có thể cao tới 2 m. Lá lớn, mọc so le, hình tim, dài 7-15 cm, rộng 4-8 cm mép có răng cưa, đáy lá hình tim hay hơi tròn, mặt dưới trắng vì có nhiều lông trắng, mặt trên có nhiều lông sẫm, dáp, có ba gân từ cuống phát ra. Hoa đơn tính cùng gốc. Hoa đực có 4 lá đài và 4 nhị. Hoa cái có đài hợp chia làm 3 răng. Quả bế mang đài tồn tại. Rễ hái vào bất kì mùa nào, nhưng tốt nhất vào thu đông. Hái rửa sạch đất phơi khô hoặc sấy.

Hình 3: Cây gai

Phân bố, thu hái và chế biến: Cây này được trồng ở khắp nơi trong nước để lấy sợi hay lấy lá. Rễ ít được khai thác; người ta đào rễ về rửa sạch đất, cắt thái miếng hoặc để nguyên rồi phơi khô hay sấy khô.

Thành phần hóa học: Chưa có nhiều nghiên cứu, hiện mới thấy có axit chlorogenic là một loại tanin.

Tính vị quy kinh: Ngọt, hàn, không độc. Có tác dụng tả nhiệt, tán ứ, chữa đơn độc, thông các chứng lâm (đi đái dắt) chữa sang lở, thông tiểu tiện. Phàm không thực nhiệt chớ có dùng.

Công dụng và liều dùng: Có tác dụng an thai, rễ cây gai mới hái hoặc phơi khô 30 g sắc với 600 ml nước, cô làm 200 ml chia làm 3 lần uống trong ngày. Chỉ 1-2 ngày là có kết quả, không nên kéo dài. Chữa bệnh phụ nữ có thai đau bụng, nước vàng đỏ vẫn chảy rỉ, ngoài ra còn chữa sa dạ con. Rễ và lá còn làm thuốc lợi tiểu, chữa tiểu tiện đục, đi tiểu tiện ra máu, viêm tử cung, lòi dom không co lên được. Liều dùng trung bình 10-30 g sắc với nước uống (Đỗ Tất Lợi, 2014). Dược liệu củ gai có tính mát, tác dụng tả nhiệt có thể sẽ hiệu quả trong các chứng viêm khớp xưng nóng đỏ đau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tài liệu tiếng Việt

Đậu Thị Giang (2016), Nghiên cứu tác dụng giàm đau, chống viêm của cây gối hạc (Leea rubra Blume họ gối hạc Leeaceae trên thực nghiệm.Luận văn thạc sĩ.

Đoàn Thanh Hiền, Đỗ Trung Đàm (1996), Nghiên cứu vai trò của Thổ phục linh trong các bài thuốc chữa thấp khớp, Tạp chí Dược học – Số 8/1996 tr 15-18.

Đỗ Tất Lợi (2014),Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản y học.

Lê Minh Hà (2018) Nghiên cứu quy trình tách chiết và tinh chế hợp chất KG1 trong cây Kaempferia galanga (Cây địa liền).Đề tài nghiên cứu khoa học.

Nguyễn Thùy Dương (2012), Nghiên cứu tác dụng trên bệnh gút thực nghiệm của cây hy thiêm (Siegesbeckia orientalis L. Asteraceae).

Nguyễn Thị Vinh Huê, Nguyễn Duy Thuần, Phạm Thị Vân Anh, Nguyễn Trọng Thông (2007), Nghiên cứu tác dụng chống viêm của flavonoid chiết xuất từ rễ cây cao cẳng (Radix ophiopogonis confertifolius) trên thực nghiệm. Tạp trí dược học số 379, 11/2007.

Phạm Tuấn Thành (2017), Nghiên cứu độc tính cấp và tác dụng chống viêm, giảm đau của cao lỏng thiên cốt đan trên thực nghiệm. Luận văn thạc sĩ.

  1. Tài liệu tiếng Anh

Balunas MJ, Kinghorn AD (2005), Drug discovery from medicinal plants. Life Sci 78: 431–441.

Bao Y, Li H, Li QY, Li Y, Li F, Zhang CF, Zhi Wang CZ, Yuan CS (2018), Therapeutic effects of Smilax glabra and Bolbostemma paniculatum on rheumatoid arthritis using a rat paw edema model. Biomedicine & Pharmacotherapy. 108(2018), 309-315.

Chin YW, Balunas MJ, Chai HB, Kinghorn AD (2006),Drug discovery from natural sources. AAPS J 8: 239–253.

Huang D, Zhang M, Pan Y, Yan C (2018), Structural characterization and osteoprotective effects of a novel oligoglucomanna obtained from the rhizome of Cibotium barometz by alkali extraction. Industrial crops & Products.

Jiao Z, Xu W, Zheng J, ShenP, Qin A, Zhang S, Yang, C (2017), Kaempferide prevents titanium practicle induced osteolysis by suppressing JNK activition during osteoclast formation. Sci. Rep. 7, 16665.https://doi.org/10.1038/s41598-017- 16853-w.

Kumar, A (2020), Phytochemistry, pharmacological activities and uses of traditional medicinal plant Kaempferia galanga L. –An overiew.Journal of Ethnopharmacology.253 (2020), 112667.

Li C, Su X, Li F, Fu J, Wang H, Li B, Chen R, Kang J. Cytotoxic quinones from the aerial parts of Morinda umbellata L. Phytochemistry 167(2019) 112096.

Ninh KB, Vu HG, Tra ML, Le QL, NinhTN, Do TT, Nguyen HN, NguyenXC, Phan VK, Chau VM (2013), Two new 11-noriridoids from the aerial parts of Morinda umbellata. Phytochemistry letters 6(2013) 267-269.

Wang CS, Zhang D, Zhang M, Jiao Y, Jiang K, Yan C. Structural characterization of a novel oligosaccharide from Achyrathes bidentata and its anti-osteoporosis activities. Industrial crops and products 108, 458-469.

Yan C, Zhang S, Sheng C, Zhang W (2019),A fructooligosaccharide from Achyranthes bidentata inhibits osteoporosis by stimulating bone formation. Carnohydrate polymers, 210, 110-118.

Yang JL, Dao TT, Tran TH, Zhao YM, Shi YP (2019), Futher sequiterpenoids from the zhizomes of Homalomena occulta and their anti-inflammatory. Bioorganic & Medicinal Chemistry Letters. 29(2019), 1162-1167.

Zhang D, Wang CS, Hou X, Yan C (2019), Structural characteration and osteoprotive effects of a polysaccharide purified from Achyranthes bidentata. International journal of biological macromolecules.

 

TS. Lê Ưng

Chuyên gia Dược cổ truyền

Viện Trưởng

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *