Hà Thủ Ô Đỏ

 

Tên khoa học: Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson.

Họ Rau răm: Polygonaceae

Tên gọi khác: Thủ ô, Giao đằng, Dạ hợp, Địa tinh, Khua lình (Thái), Măn đăng tua lình (Lào-sầm nưa), Mằn năng ón (Tày).

Bộ phận dùng: Chủ yếu dùng củ Hà thủ ô đỏ để làm thuốc. Có thể dùng cả thân lá và hoa.

Thành phần hóa học: Hà thủ ô giàu hoạt chất hóa học. Trong Hà thủ ô chứa nhóm chất stilben, quinon, flavonol. Các hoạt chất chính có trong củ: anthraquinon, emodin physcion, rhein, chrysophanol; 2,3,5,4′-tetrahydroxystilben-2-O-β-D-glucosid (Lin và Cộng sự, 2015).

Tính vị-quy kinh: Vị đắng, ngọt, tính ấm, chát. Vào hai kinh Can và Thận.

Tác dụng và liều dùng: Làm thuốc ích khí, trừ phong, mạnh gân cốt, bổ can thận. Trị di tinh, đới hạ, huyết hư, ỉa ra máu, suy nhược.Đối với phụ nữ, Hà thủ ô được dùng chữa các bệnh sau khi sinh, các bệnh xích bạch đới. Liều dùng hàng ngày 12-20g dưới dạng thuốc sắc, thuốc rượu hoặc thuốc bột.

Kiêng kỵ: Kiêng dùng hành, táo bón nhiều không nên dùng.

Cách bào chế:

Theo Trung Y: Lấy hà thủ ô đã cắt miếng cho vào chậu, đổ rượu ngon vào tẩm 1 đem, cứ 10kg hà thủ ô thì dùng 2,5 kg rượu. Ngày hôm sau bỏ vào chõ đồ 4 giờ, lấy ra phơi chỗ râm, cho khô, lại tẩm lại đồ hai lần nữa là được.Miếng Hà thủ ô sẽ thành sắc đen nâu.

Theo kinh nghiệm Việt Nam: Bào chế: Rửa sạch củ, ngâm nước vo gạo 1 ngày 1 đêm, sau đó rửa lại. Đổ nước đậu đen cho ngập (cứ 1kg Hà thủ ô cân 100g Đậu đen, 2 lít nước, nấu đến khi đậu đen nhừ nát), nấu đến khi gần cạn, cần đảo luôn cho chín đều.Khi củ đã mềm, lấy ra, bỏ lõi (nếu có).Nếu còn nước đậu đen thì tẩm phơi cho hết. Làm sạch vụn nát. Thái hoặc cạo mỏng rồi phơi khô. Nếu đồ thì đồ 9 lần rồi phơi 9 lần (cửu chưng cửu sái) thì càng tốt. Khi đun nên đặt vỉ ở đáy nồi cho khỏi cháy dược liệu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *