Hồi

 

Tên khoa học: Illicium verum Hook.f.

Thuộc họ hồi: Illiciaceae.

Còn gọi là Đại hồi, Bát giác hồi hương, Đại hồi hương. Đại hồi hay Bát giác hồi hương (Fructus Anisi Stellati hoặc Anisum stellatum hay Illicium) là quả chín phơi khô của cây hồi.

Thành phần hóa học: Trong quả hồi ngoài các chất như chất nhầy, đường thì chất chủ yếu là tinh dầu. Tinh dầu hồi là một chất lỏng không màu, hay vàng nhạt, tỷ trọng ở 15oC là 0,98, độ đông đặc từ 14oC đến 18oC. Trong tinh dầu hồi có 80-90% anethol, còn lại là tecpen, pinen, dipenten, limomem, estragola, sarola, tecpineola… Lá hồi cũng chứa tinh dầu với thành phần gần tương tự, nhưng độ đông đặc thấp hơn 13-14 oC.Axit Sikimic là thành phần quan trọng trong tinh dầu hồi có nhiều ứng dụng.

Tính vị-quy kinh: Theo tài liệu cổ đại hồi có vị cay, tính ôn, vào 4 kinh – Can, Thận, Tỳ và Vị.

Tác dụng và liều dùng: Hồi là một vị thuốc được dùng trong cả Đông y và Tây y. Tây y dùng Hồi làm thuốc trung tiện (carminatif), giúp tiêu hóa, lợi sữa. Tác dụng trên hệ thống thần kinh và cơ (dịu đau, dịu co bóp) được dùng trong đau dạ dày và ruột co bóp quá mạnh. Ngoài ra được dùng làm rượu khai vị, làm thơm thuốc đánh răng. Tuy nhiên nếu dùng nhiều và liều quá cao sẽ gây ngộ độc, với hiện tượng say, run chân tay, sung huyết não và phổi, trạng thái ngây có khi tới co giật như động kinh.

Có tác dụng đuổi hàn, kiện tỳ, khai vị, dùng chữa nôn mửa, đau bụng, bụng đầy chướng, giải độc của thịt cá. Những người âm hư, hỏa vượng không dùng được.

Thường dùng hiện nay làm thuốc giúp tiêu hóa, ăn uống không tiêu, nôn mửa, đau nhức tê thấp. Mỗi ngày dùng 4-8g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài ngâm rượu xoa bóp chữa đau nhức, tê thấp.Ngoài ra hồi còn được dùng làm gia vị, chế húng lìu nấu thịt bò và các loại thịt khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *